Phản ứng của Triều đình Huế Phong_trào_Hồi_giáo_Katip_Sumat

Triều đình Huế không ngờ và cũng không chuẩn bị cho cuộc vùng dậy của Katip Sumat. Biên niên sử Việt Nam ghi rằng, từ mấy năm qua, vua Minh Mạng đã xóa bỏ chế độ nô dịch và quân dịch cho người Chăm. Thế thì tại sao người Chăm còn khơi dậy mối hận thù để làm gì? Có chăng họ muốn bày tỏ lòng trung thành với quốc vương Po Phaok The (Nguyễn Văn Thừa) bị bắt vào năm 1832 để rồi quên đi công lao của triều đình Huế? Chẳng lẽ Champa là vương quốc có đất đai rất phì nhiêu, nhưng lại chứa chấp toàn là những người ngu ngốc, tìm cách vùng dậy chống triều đình Huế?

Sự vùng dậy của Katip Sumat đã biến dân chúng Champa thành nạn nhân của chiến cuộc. Để đáp trả quân phiến loạn, binh lính của triều đình Huế đã phá hủy nhiều làng mạc người Chăm, nhất là những làng mạc gần bờ biển nhằm ngăn chặn người Chăm vượt biển chạy sang nước ngoài. Chính đó là nguyên nhân giải thích tại sao ngày nay không còn một làng người Chăm nào ở gần bờ biển, mặc dù người Chăm chuyên sống về nghề biển và cũng là những thủy thủ lừng danh trong quá khứ.

Trước lực lượng hùng mạnh của vua Minh Mạng, Katip Sumat buộc phải lui về miền núi nằm ở phía Tây và ra lệnh cho quân lính Chăm tiếp tục đương đầu với triều đình Huế ở đồng bằng, nhưng không gặt hái kết quả gì.